Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

DƯ ÂM


***
Nhạc sĩ Văn Dung là người mê Thiền, nghe tiếng một ông sư chùa ở mạn Vĩnh Tuy ngộ Thiền sâu sắc liền cất công tìm để đàm luận, lần đầu tới không gặp, lần thứ hai tới phải chờ rất lâu ông ấy mới ra, từ chối đàm luận, chỉ nói ngắn gọn: Thiền là sự suy ngẫm im lặng của mỗi người. Suzuki cả đời ngộ thiền tới cuối đời lại giở chứng viết 3 cuốn Thiền luận dầy cộp thế là phá hết Thiền nghiệp. Văn Dung gặng hỏi thêm thì ông ấy nói: Ông là nhạc sĩ chắc biết ca khúc Dư âm của Nguyễn Văn Tý đó là thiền đích thực chứ đâu. Văn Dung giác ngộ liền quay về.
 
(Nguyễn Hồng Sinh)

Nguyễn Văn Tý sinh năm 1925, gốc người Hà Nội, nhưng sinh ra và lớn lên tại Vinh. Xuất thân trong một gia đình truyền thống âm nhạc, ông tham gia kháng chiến trong đoàn Văn Công, và sau này là một trong những nhạc sĩ thành lập Hội Nhạc Sĩ năm 1957 tại Hà Nội. Ông sáng tác nhiều ca khúc thuộc nhiều thể loại khác nhau, nhưng ca khúc trữ tình kiểu "tiền chiến" chỉ có bài Dư Âm.

Ông kể: "Lúc đó là năm 1950, tôi đang là Trưởng đoàn Văn công Sư đoàn 304 đóng ở Thanh Hoá. Một lần đi công tác vào Quỳnh Lưu (Nghệ An) có ghé vào một gia đình. Còn nhớ nhà đó có hai chị em, cô chị 22, cô em 16. Mới đầu là định tán cô chị. Đang ngồi nói chuyện với cô chị thì cô em ra, đứng sau ghế, giương đôi mắt tròn xoe nhìn tôi. Tôi cũng sững sờ nhìn lại. Cô chị nhận thấy thế, quay lại, mắng và đuổi cô em xuống bếp.

Đêm đó, khoảng 11 giờ đêm tôi đến ngóng bên hàng rào. Cô em đang gội đầu ngoài sân, rồi hong tóc, tóc đổ dài như suối dưới ánh trăng, rồi lấy đàn guitar ra dạo và hát. Tôi ngồi nghe cách đó khoảng 30m. Không nhớ bài hát gì, chỉ biết là êm ả lắm. Suốt đêm tôi không sao ngủ được, và chong đèn viết Dư Âm. Bài hát được nhiều người thích. Nhưng tôi cũng khổ vì bài hát này lắm. Đơn vị lôi tôi ra kiểm thảo. Tại sao anh lại sáng tác một bản nhạc ủy mị thế này? Cả nước đang chiến đấu mà lại cứ anh anh, em em sướt mướt..."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét