Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Thành Vinh.

Cổng thành Vinh
Vương Trí Nhàn viết về thành phố Vinh quê vợ tôi, thời chiến tranh, mùa xuân năm 1973.
18/2
Vinh. Thành phố trông bằng bặn… như một cánh đồng. Chỉ còn một ít cây cối lên xanh. Chỉ thấy ô tô đi. Chỉ nghe tiếng còi bin bin. Đường đất, đường đá, những chiếc xe tải đi nước trong vũng vỗ ràn rạt. Giữa một thành phố thế này, một dáng người đi bộ, một chiếc xe đạp cứ lọt thỏm đi, để lộ ra vẻ heo hút.

Một con đường cũ, mất hết cả mặt đường, cả dấu vết vỉa hè. Mất hết cả cột điện. Lại mất cả dãy phố hai bên đường. Dấu vết của con đường nơi đây, chỉ còn là vệt bánh xe lăn. Cạnh con đường ấy, người ta rạch một con đường khác, rải đá. Rồi lại một con đường nữa, bên ngoài con đường đá, hợp với con đường đầu, thành hai đường song song, cho ô tô chạy theo hai chiều.
..
24/2 

Mùa xuân. Mưa rất nhẹ, nắng rất vừa, tất cả đều nâng niu sức sống, đều nuôi dậy những khao khát sống. Vậy mà cớ sao tôi cứ buồn bã? Tôi sợ hãi những mùa xuân, vì ở tôi lúc nào cũng đầy những khao khát rồi. Tôi đang muốn dẹp bớt đi. Tôi đang muốn nén mình lại.
Đất nước thật là kỳ lạ. Ở đây, nói thế nào cũng được. Nói rằng chúng ta rất anh hùng, rất sáng suốt, rất khoa học, cũng được. Nhưng nói rằng chúng ta mê muội, dốt nát, vất vưởng, kể cũng không sai. Một người cán bộ cấp tỉnh làm việc… cứ bay như con chiền chiện. Ông ký giấy, giải quyết việc, rồi lại bỏ đấy, có người kéo đi, rồi lại giải quyết việc. Tưởng như ông làm bừa đi, không còn nhớ gì cả. Mà thực ra, là ông nhớ rất kỹ những điều ông nói. Hình như việc gì cũng đến tay ông, cũng phải qua ông. Nhưng ông có thể bớt việc đi được không? Chắc được. Bởi ông giải quyết tất cả theo lối phứa phựa cả nắm cả mớ. Người cứ chạy theo ông, một lũ một lĩ… Hẳn là ông rất hách dịch, rất gia đình chủ nghĩa. Nhưng ông lại hợp với thời đại. Những người như vậy, là hợp với thời đại này chăng?
Nhàn:
Những gì là đặc điểm chung của những người ngồi ô tô đó?
Long
(một kỹ sư): Là họ bạo phổi, họ có tầm mắt chiến lược, họ không sợ hy sinh những cái nhỏ, họ dám làm được việc. Là cách họ nói, bao gồm cả sự thường xuyên nói dối nói dá. Đáng khen thì họ chê. Đáng chê thì họ khen. Cứ nói miễn là được việc. Tôi đã thấy những phóng ô tô đến một nơi, cắt ngang hội nghị, phát biểu những ý kiến hết sức quan trọng, rồi lại từ biệt bữa cơm sang trọng mà người ta mời mọc, giữa chừng phóng xe về, nói là dự một cuộc họp quan trọng hơn. Cuối cùng hóa ra chỉ là chuyện này: ông ta phóng xe về dự một bữa thịt chó. Sự tình là như thế, thường xuyên như thế. Người ta hiểu ý nghĩa công việc của người ta. Người ta hiểu người ta không còn là của chính người ta, mà đã thuộc về một cái gì rất chung, nó liên quan đến mọi người.
Một người lớn tuổi than thở rằng cha mẹ bây giờ nói với con bằng lý bằng tình, và cả bằng nước mắt, mà con vẫn cứ hư hỏng. Quá lời chăng?
Nhưng sự thật là thanh niên bây giờ làm tôi thất vọng. Như mấy cậu ở Vinh. Ngây ngô quá. Không đủ phong độ một người cán bộ nhà nước. Thường đến một chỗ nào đó, là vâng vâng dạ dạ, ngoài ra lơ mơ về công việc. Chỉ chơi. Chỉ dòm hành. Cái xe này khung Đức hay Tiệp? Vành Việt Nam hay vành Trung quốc? Toàn những chuyện vậy. Hoặc đến công tác ở một nơi, thì đi tán mấy o con gái. Không trọng được.
Long bảo hay nhớ cái tình thế nước đôi trong truyện Tuyết của Paustovski. Người con gái về thăm mẹ chết, nhớ lại người mẹ mình. Bà vừa là hạnh phúc của đời cô, vừa là một gánh nặng đối với cuộc sống của cô. Bây giờ, bà mất đi cô vừa thấy mất mát đi một điều gì đó, vừa thấy nhẹ đi một phần trách nhiệm nào đó.
Những bậc cha mẹ, có lẽ thế, luôn luôn là một gánh nặng với con cái. Quá khứ là một thứ gánh nặng với hiện tại, tuy nó cũng là tài sản của hiện tại.
Như đối với tôi, cuộc đời luôn luôn là một ông bố khó tính, không hề thông cảm cho tất cả những phức tạp của tôi, tuy vẫn yêu tôi, thương tôi. Cuộc đời là một ngưòi chị tốt bụng nhưng cam chịu. Cuộc đời là một bà dì không tình nghĩa, chỉ tìm cách hành hạ tôi.
Truyện của Paustovski chỉ thích hợp với hai hạng: Hạng trẻ thơ, đang cần khuyến khích mơ mộng. Hạng người già, biết nhìn ra tất cả, nhưng cần nghỉ ngơi. Đối với thanh niên, loại truyện đó không thích hợp.
Sao ở cái thành phố của cái dân cách mạng này, mà có lúc lại nhiều sương. Sương dâng từ 4 gìơ chiều, đến 5 giờ sáng. Sương phủ mông lung. Sương làm cho mặt người mờ mịt. Mặt đất như biến đi dưới chân, tất cả nhẹ bỗng, chỉ còn có những điểm sáng, chỉ còn tiếng nói.
Cuộc sống đáng lẽ chỉ nên có nắng gắt, có gió lộng, có mùa hè ngột ngạt và mùa đông rét đến thâm tím mày mặt. Sao lại còn suơng, còn cỏ non, còn mưa phùn. Cũng như trên dải đất Việt Nam này, lại còn những đêm trăng đẹp, những con sông thơ mộng, những bài dân ca. Và hôm nay là những ngày xuân, không ra nắng, không ra gió, hơi lạnh so với mùa hè, nhưng đã ấm rất nhiều so với mùa đông.
Cái ấn tượng lớn nhất của tôi về Vinh, cái mà tôi tìm thấy mình ở trong này, đó là tính chất đêm tối, tính chất trung cổ, tính chất nửa vời. Ở đây là một đoạn trên con đường ra tiền tuyến. Ở đây cửa ngõ chiến trường và cửa ngõ hậu phương. Nơi đây, biết bao nhiêu người đi qua, cái gì người ta cũng mang vào, nhưng người ta không để lại. Nơi đây, vừa đủ một ngày đường ô tô, một ngày một đêm tàu hoả để cho khách khứa từ Hà Nội vào từ Vĩnh Linh ra . Nơi đây, có lúc cả thành phố chỉ còn là một cái bến ô tô rất lớn, và những cụm kho, và một bến phà. Tất cả sống bám vào những linh hồn từ nơi khác đến, đó là cả một nghĩa vụ.
Về mặt nào đó, cách hiểu về thành phố như thế cũng là cách hiểu về cả đất nước. Những gì của ngày hôm nay nó cứ như là nhất thời, tạm bợ. Quan trọng hơn là một cái gì lờ mờ đằng sau mà ta gọi là ngày mai. Nhưng biết bao giờ ngày mai sẽ tới. Cái đích xa tưởng là mờ mịt. Cái đích xa nuốt vào nó muôn ngàn cố gắng. Nhưng rồi sẽ đi đến đâu?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét