Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

Học đi em, học đi mà nhớ mãi.

Bập bênh - Điềm Phùng Thị
Thưa cô, vì sao lại có những chuyện như vậy?

(VanPham.

Bài này đã có trên mạng rồi. Tôi trích đăng phần học trò nói thương, nhưng em đó Thưa cô vì sao? nhiều quá, hơi sốt ruột. Tôi đã nói rồi: Học đi em, học đi mà nhớ mãi.
Nhân kỷ niệm NNG 2011)

  Ngày... tháng... năm...
  Cô kính yêu của em!
Chắc cô sẽ ngạc nhiên khi nhận và đọc xong lá thư này. Em nói như thế, phần vì chưa bao giờ em viết thư gửi cô, phần vì những điều em viết ra có thể sẽ làm cô rơi nước mắt, hoặc cô sẽ phẫn nộ vì tội bất kính của đứa học trò hỗn hào, hoặc cô sẽ giận run người. Vâng, dù thế nào em cũng xin chấp nhận, và không vì thế mà em vơi hao sự kính trọng và lòng biết ơn đối với cô.
Thưa cô, em đã từng được sống trong những bài giảng văn của cô. Em đã thấy mỗi khi nói về nỗi đau của con người, cô đều nghẹn lời, mắt rưng rưng lệ. Em đã thấy Con Người là một khái niệm chứa đựng trong đó bao điều lớn lao và đau khổ mà vì nó, cô của em đã tận tụy sống, tận tụy đem tình thương yêu tới lũ trò nhỏ, và cũng từng nhận về mình bao hệ lụy. Em đã chứng kiến cô tự hào và vui sướng như thế nào khi có bạn trong lớp em là người thành đạt. Em cũng đã chứng kiến cô đau buồn ra sao khi một đứa trong chúng em sống chưa ra sống. Em thầm cảm ơn số phận đã cho em được gần cô, được học cô, và qua cô để tìm thấy những điều mà không phải môn học nào cũng có thể mang tới cho em như môn Văn.
             
Đến hôm nay em vẫn còn nhớ hồi ấy, để giảng bài bài: “Phong cách Hành chính”, cô chuẩn bị tỉ mỉ đủ các loại giấy tờ, văn bản để làm cho giờ học sinh động, một giờ trả bài chất lượng. Rồi cô cân nhắc từng lời trước khi đặt bút ghi lời phê vào mỗi bài văn của chúng em. Giờ trả bài của cô bao giờ cũng giàu kịch tính, và học sinh thì rất nhớ lỗi để rút kinh nghiệm cho lần sau. Trong một số bài học ứng dụng, chúng em được thảo luận, nêu ý kiến, diễn kịch... Có khi tranh cãi như mổ bò, có khi thẹn thò vì không dám diễn đoạn Pênêlôp quàng tay ôm lấy cổ chồng. Ôi cái tuổi học trò vụng dại!... Cứ như vậy, cả cô và trò đã ngất ngưởng cùng Nguyễn Công Trứ, chiến đấu rồi hi sinh cùng người nghĩa sĩ Cần Giuộc, khóc Dương Khuê cùng Nguyễn Khuyến, thương bà Tú cùng Trần Tế Xương...

Nhưng cô ơi, ở đời nhiều khi không biết thế nào là hay. Nếu như được ở bên cô là một niềm hạnh phúc, và học môn Văn cô dạy em đã giúp em thi đậu Đại học với điểm số cao, thì những ngày học môn Văn cũng là thời gian em phải chứng kiến nhiều việc mà lẽ ra ở tuổi học trò, chúng em chưa nên biết. Em đã suy nghĩ rất nhiều và thấy rằng, mình không thể im lặng lâu hơn được nữa. Em không muốn giả tạo với chính mình, vì em hi vọng sẽ được một chút gì cho môn Văn yêu quí của chúng ta. Có thể cô sẽ trách em “Tại sao không nói ra sớm hơn?”, nhưng em tin cô sẽ không đặt ra câu hỏi đó mà chia sẻ với em. Bởi trước đây em chỉ là một đứa học trò, và không biết điều gì sẽ đến với em, nếu những điều em viết dưới đây được công bố ngay khi em còn ngồi trên ghế nhà trường?

Thưa cô, em phải nói thực là dù vẫn biết cô là một giáo viên giỏi, nhưng không rõ tại sao, với nhiều bạn trong lớp em, giờ Văn thường là giờ buồn ngủ. Buồn ngủ lắm cô ạ, dù thương cô nhưng cơn buồn ngủ của tuổi mới lớn khiến chúng em không sao cưỡng lại được. Cô cũng biết, và có lần cô đã lại gần bạn Nam, dùng văn chương lay thật khẽ: “Tỉnh lại em ơi qua rồi cơn ác mộng!”, làm cả lớp cười ồ. Riêng bạn Nam thì mắt đỏ quạch, ngẩng lên ngơ ngác nhìn xung quanh rồi lại gục xuống. Với thầy cô khác, có thể bạn ấy đã bị quát: “Dạy, ra ngoài lấy nước rửa mặt!”. Nhưng có lẽ vì nghĩ đêm trước bạn Nam mất ngủ do phải học nhiều, nhà bạn Nam ở xa phải dạy sớm,... nên cô chỉ nhẹ nhàng nhắc: “Thôi, để cho bạn ấy ngủ thêm lát nữa, lời cô nói như lời ru của mẹ đưa bạn ấy vào giấc ngủ êm đềm” và cả lớp lại cười. Lúc ấy em biết, cô đã thỏa hiệp.
...
Em nhớ, cô đã dạy thật hay trích đoạn Thề nguyền, ngợi ca một cô Kiều dám “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” đến tự tình với Kim Trọng, và họ đã ở bên nhau cho đến sáng. Khi cô nói đến đó, có bạn đã thì thầm: “Thế mà không có con!”. Em thì lại nghĩ, dù ở thời nào cũng không có cha mẹ nào đồng ý cho con gái mình chủ động đến nhà bạn trai như vậy. Rồi khi trong giờ Văn, thầy cô dạy chúng em về đức hi sinh của người đàn bà miền biển. Chị ấy biết chấp nhận đớn đau từ những trận đòn dữ dội của người chồng chỉ để nhìn thấy đàn con được ăn no. Thày cô còn bênh vực lão đàn ông vũ phu rằng anh ta chỉ là nạn nhân của hoàn cảnh. Vì đói khổ không lối thoát nên ngày nào anh ta cũng lôi vợ mình ra đánh. Sao lại có thể oan ức như vậy? Giờ là thế kỉ nào rồi? Giải phóng phụ nữ ở đâu? Quyền con người ở đâu? Rồi trong bài giảng Về luân lý xã hội... cô khen ngợi cách đặt vấn đề trực diện, bộc lộ quan niệm tư tưởng của một nhà Nho uyên bác, sắc sảo, thức thời: “xã hội luân lí trong nước ta tuyệt nhiên không ai biết đến”. Và cô đưa ra một loạt dẫn chứng: “dân ta quen phải ai tai nấy, ai chết mặc ai, cháy nhà hàng xóm bình chân như vại, đèn nhà ai nhà nấy rạng, chỉ nghĩ đến sự yên ổn của riêng mình, bất công cũng cho qua”. Em ngồi nghe và nghĩ, nói như thế e có vơ đũa cả nắm hay không? Dù chỉ là một học sinh lớp 12, nhưng qua tìm hiểu, em đã lờ mờ nhận thấy chúng ta đã đi từ cực đoan này đến cực đoan khác. Chương trình cũ hầu như chỉ một “tông” ca ngợi, chương trình mới lại yêu cầu chúng em tiếp cận một loạt vấn đề gai góc. Chúng em không dám cãi, vì cô nói rất say sưa, nhưng ngồi dưới nghe thì chúng em chưa phục. Vâng, thưa cô, còn bao điều nhức nhối mà em muốn gửi đến cô và không biết trang giấy này có nói hết.
Lên đến lớp 12, chúng em không còn thời gian để mê mải cùng Đam-san đi bắt “Nữ thần Mặt trời”, hay cùng Chí Phèo “say” bên Thị Nở... Và chúng em liên tục phải nghe để chép, nhìn máy chiếu và chép. Cô ngồi ghế đung đưa chân và đọc những con chữ từ một thế giới vô hình xa xăm nào đó. Còn chúng em thì chép lia lịa, chép mà nhiều khi chẳng biết mình đang chép cái gì? Chép để khỏi bị cô phạt, chép để yên tâm khi thi cử có cái để ôn, nếu thuận tiện thì có cái để mà... “quay”! ...
...
Thưa cô, vì sao ...
...

Em hết sức xin lỗi cô vì đã không giấu được suy nghĩ của mình. Nhưng cô hãy tin rằng, trong trái tim bé nhỏ của em luôn có chỗ cho tình yêu thương thày cô. Thày cô cũng là con người, cũng có gia đình, cũng phải vất vả trong cuộc mưu sinh. Đa số thày cô là tốt, không thiếu những người đã tận tụy làm việc, hết mình vì sự tiến bộ của chúng em. Những lời chuyện trò tâm huyết, những việc làm thấm đầy tình thương yêu và ý thức trách nhiệm mà nhiều thày cô dành cho chúng em, làm sao chúng em có thể quên? Em xin khắc ghi tận đáy lòng những điều ân nghĩa. Dưới mái trường này, rất nhiều thế hệ học trò chúng em đã lớn khôn và nhận về mình bao tình cảm tốt đẹp. Ngôi trường sẽ mãi phong kín trong em với những hoài niệm còn lặng im, run rẩy. Trong đó, có biết bao kỉ niệm đẹp của tuổi học trò hồn nhiên và vụng dại. Nhưng cũng còn một số điều chưa đẹp không chịu ngủ quên...như em đã kể lại trong thư...Lỗi là ở đâu? Không hẳn tại thày cô, em lờ mờ cảm nhận như vậy.

Nhưng cô ơi, sản phẩm giáo dục của cô, thày không thể chỉ là những đứa con ngoan ngoãn biết vâng lời. Cuộc sống đang phát triển từng ngày, cuộc sống đang đòi hỏi chúng em phải trau dồi tri thức một cách nghiêm túc, biết suy nghĩ độc lập và biết sáng tạo, đặc biệt là biết tự ý thức về mình để sống tốt hơn, sống có ích hơn. Em chưa một lần dám nói “hỗn” với cô, vì em không muốn làm cô buồn. Nhưng nếu không vượt qua mặc cảm để viết bức thư này, thì em lại vô cùng day dứt. Từ nơi xa xôi, em nhớ cô, nhớ nhà buồn đến khóc. Em thấy mình có lỗi thật nhiều. Nhưng, dù cô có mắng mỏ, hay không coi là “học trò cũ” đi nữa, em vẫn mãi mong muốn được là đứa con bé bỏng của cô, là công dân có trách nhiệm của nước Việt. Cô sẽ không bao giờ phải ân hận vì đã sinh ra em lần thứ hai. Và em mong, một ngày nào đó về thăm trường, em sẽ được cô trìu mến nắm tay và bảo với em rằng: “Cô hiểu em. Cô chia sẻ với em. Cô sẽ cố gắng để những điều làm em phải dằn vặt sẽ không còn tồn tại trên đời này nữa!”.
                            
    Mãi là trò nhỏ của thày cô.
                 Phạm Thị Mẫn
                          
(Nguồn: Văn nghệ Thái Nguyên số 8/2011)

4 nhận xét:

  1. Lần thứ nhất khi đọc bức thư này tôi đã thấy như mình đang là người có lỗi. Tôi chỉ là một hạt cát, dù nhỏ bé nó cũng là một phần của sa mạc. Tôi đau lòng, đau đến buốt nhói trước câu hỏi : " Thưa cô! Vì sao lại có những chuyện như vậy".
    Hôm nay đọc cái tựa đề "Học đi em, học đi mà nhớ mãi" tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm phần nào.
    - Em ạ! Em đã là đứa học sinh trưởng thành ngoan ngoãn, giỏi giang của các thầy cô khi em biết hỏi : " Thưa cô! Vì sao..."

    Trả lờiXóa
  2. Cũng là cảm nhận của tôi khi đăng bài này.
    Lê Trung Nguyệt, bạn tôi, có tập thơ "Mảnh gương quỷ" lấy ý tưởng của Hans Christian Andersen. Ta học ở đó cái nhìn nhân hậu hơn để nghĩ về ta và giúp học trò. Đừng vì một lý do nào đó mà cực đoan bạn nhỉ.
    Chào!

    Trả lờiXóa
  3. Ngày xưa nghe Thầy nhắc "Mảnh gương quỷ" vào thứ hai chào cờ đầu tuần em chỉ hiểu ngu ngơ, giờ đây em đã hiểu thêm phần nào. Cảm ơn Thầy đã cho chúng em những câu chuyện bổ ích.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những bài viết của thầy phần nhiều là về văn hóa và phong tục, có mấy bài về kỷ niệm.
      Chúc Em vui và đọc cho vui!

      Xóa