Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Nghịch lý Quảng Bình

 Xuân Bình- Nhà báo tự do
(Bài trên Blog Xuân Bình- Một bài viết hay, có cái nhìn mới về mảnh đất Quảng Bình, mang chứa trong nó nhiều hiện tượng tương phản, khác thường, dị biệt đầy nghịch lý, nghiệt ngã và bi hài… .
Xuân Bình có nhiều bài viết về những vùng đất, con người , về kiến trúc ...
nước Việt, nhiều mới lạ và sâu sắc. Mạn phép Anh, giới thiệu một bài viết trên Blog này)

Nghịch lý Quảng Bình

Quảng Bình? Từ đây, có thể nhìn thấy điều gì về một kỷ nguyên ngụy tạo, dự đoán nào về một quá trình đang tự phân hủy dữ dội của đất nước?
                  

Vùng đất của một thủ lĩnh theo khuynh hướng dân tộc lại chết thê thảm trong “vòng tay” của những đại diện cho thế giới tự do, dân chủ.
...
Quê hương của một quân cờ trong một cuộc cờ đẫm máu, vô luân được ngụy trang bởi những lý tưởng cao cả lại luôn ảo tưởng là thiên tài…. uân ự?
Nơi này sinh ra một “trí thức trẻ” rất nổi tiếng bởi rất nhiều mề đay nhưng chưa đọc hiểu được… tiếng Việt? Tại một Diễn đàn kiến trúc của châu Á vừa tổ chức ở Đà nẵng, trước sảnh phòng họp lớn, tôi đùa: bài này anh viết tặng mày!
Con đường nào giúp người ta nhận thức nhanh và đúng nhất vùng đất, con người Quảng Bình?

Trong lịch sử, người Việt chỉ cần 200 năm để vượt sông Thu Bồn, Đồng Nai, MêKông và đi đến tận cùng đất mũi Cà Mau. Nhưng chúng ta phải mất 400 năm mới vượt qua bờ sông Gianh để có thêm châu Ô, châu Lý và mở ra một lộ trình mở đất nhọc nhằn.
Điều này ám ảnh tôi suốt hàng chục chuyến đi xuyên Việt và nhiều năm khảo cứu Quảng Bình.
Phải đặt vùng đất này trong mối quan hệ đầy xung đột giữa hai vùng cực Bắc- Nam. Hãy lên núi Thần Đinh để hiểu ảnh hưởng của tín ngưỡng, tôn giáo, tâm linh. Cần đi từ Cửa Gianh đến cửa Tùng chỉ để phân định sự thay đổi màu cát. Và rất nên vượt lộng ra khơi để nhìn thấy phối cảnh rừng xa hòa quyện, in bóng, ghi dấu trong biển rộng…. Thật kỳ vỹ Quảng Bình!
Từ những lộ trình đó, tôi cứ băn khoăn vì sao vùng đất này không phải là quê hương của những triết gia? Nhìn từ góc độ địa- văn hóa có lẽ không nơi nào ở Việt nam lại mang chứa trong nó nhiều hiện tượng tương phản, khác thường, dị biệt đầy nghịch lý , nghiệt ngã và bi hài… như Quảng Bình.
Người ta có thể trực quan các hiện tượng tự nhiên từ hình sông, thế rừng, dáng núi, bờ biển. Lịch sử được soi xét từ dự cảm siêu việt của bậc vỹ nhân như Nguyễn Bình Khiêm. Có thể thực chứng nhận định trên từ lối sống, kỹ thuật canh tác, kinh nghiệm đi biển của một thường dân còn ghi lại trong ca dao dân ca hò vè. Có thể kiểm định nó từ những luận chứng khoa học trong ghi chép tỷ mỉ, cẩn trọng của các linh mục ngoại quốc. Và thấy rất rõ hoạch định phát triển quốc gia từ những thánh ý của bậc quân vương … Tất cả đều trực chỉ những cảm nhận, suy nghiệm về một cuộc đất, một thế phận đầy trắc trở.
            
Theo tiếng Hán, Quảng là vùng đất được mở ra, trải rộng. Bình là cuộc đất đều, bằng phẳng, yên ổn. Vậy mà mảnh đất dốc này lại có khoảng địa giới hẹp nhất nước Việt. Đoạn từ cửa Nhật Lệ tới Bản Mây, Đìu Đo hay biên giới Việt Lào chỉ hơn 40km.
Và từ buổi nhà Trần mở đất, mặc dù tên gọi được hoán đổi từ Lâm Bình, Tân Bình, Tây Bình, Tiên Bình….nhưng khúc miền Trung này luôn được định danh, ghi khắc như là vùng chiến địa, đất lửa, nơi dồn góp, lưu đọng tử khí. Nhân vật thì phát về đường võ tướng, công hầu mà nhẹ văn nhân. Ai đó làm nên nghiệp vương thì cũng sinh tử bi thảm trong loạn lạc. Ai đó còn sống quá lâu thì không hẳn là phúc đức. Chưa nhắm mắt xuôi tay được là bởi vì máu oan khiên của bao nhiêu người lính trẻ còn ứ đầy giữa hai mí mắt…
Còn đó trận chiến năm 1069, vua Lý Thánh Tông thân chinh đánh Chiêm Thành. Khi Lý Thường Kiệt chiến thắng thủy quân Chiêm ở cửa Nhật Lệ, quân Đại Việt tiến thẳng tới kinh đô Phật Thệ bắt sống Chế Củ.
Khó tàn phai ký ức đẫm máu của bẩy cuộc chiến phân tranh Trịnh- Nguyễn. Từ 1627 đến 1672, máu chiến binh nhuộm đỏ sông Gianh. Biên giới Đàng Trong- Đàng Ngoài chất đầy xương lính. Dọc con đường độc đạo Bắc Trung bộ, không phải nơi nào khác, Quảng Bình chính là nơi khởi phát lịch sử chia cắt Đại Việt.
Chạm tới Quảng Bình, Hoành Sơn sừng sững. Đèo Ngang như ngáng chắn đường Thiên lý. Trên cái đường biên của trời- đất và ranh giới rừng- biển lại thấy lộ ra, hiển hiện khoảng ngăn cách, chia ly buồn thương trong thơ bà Huyện Thanh Quan:
Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại trời, non, nước
Sông Nhật Lệ là một trong 5 sông lớn của Quảng Bình.
Được tích hợp bởi Kiên Giang và Long Đại. Ngược hẳn với hầu hết các dòng chảy Việt Nam, dòng sông này chảy theo hướng Nam- Bắc. Nơi cửa sông Nhật Lệ, do chế độ thủy triều, nhiều lúc xuất hiện hai dòng chảy lên xuống ngược chiều.
Bản thân tên gọi của vùng cửa sông, cửa sóng này cũng được diễn giải một cách tương phản và đa nghĩa. Có người hiểu “lệ” như là đẹp đẽ, tú lệ. Nhưng người nặng lòng hoài niệm, day dứt với quá khứ thì lại cho rằng “lệ” chính là nước mắt của Mỵ Ê Hoàng hậu nước Chiêm và Huyền Trân công chúa nhà Trần ngày nào…
Biển Quảng Bình không sâu, ra xa 20 km mới đạt độ sâu chừng 50m. Vậy mà địa danh ngày trước của Đồng Hới lại là Động Hải một từ cần được hiểu là biển sâu. Ngay trong lộng Quảng Bình có những rạch đá ngầm lớn rất nguy hiểm. Tàu bè dễ mắc cạn và đắm ở thủy quốc của Long Vương, Hà Bá. Nhưng ở phía Bắc cửa Nhật Lệ lại có rào đá được đặt tên là hòn Hiền. Ca dao còn ghi:
Hòn Hiền là mẹ là cha
Ai đi qua đó cũng là bình yên.
Trong lộng, ngoài khơi, phần lớn có các ngư trường như Đồng Cỏ, Răng Cưa, Nhọn Nậy, Nhọn Nhỏ, Hòn Cao…đều được định vị bởi các núi Kê Quan, Đầu Mâu, U Bò, Ba Rền…. Đó là cách mà biển rộng được nhận diện từ đỉnh cao của núi. Kích cỡ của một bãi cá lại đo bằng vóc dáng của rừng. Cái chuyển động, chuyển dịch mưu sinh mong manh, bất ổn của mỗi con thuyền, kiếp người đều bám víu vào những chuẩn định, sự bình yên của đất liền. Đó thực sự là một phối cảnh rất lạ, rất tráng lệ.
Kinh nghiệm đi biển những ngày bão lớn, người Quảng Bình có cách “buông lui”. Khi nguy hiểm cận kề, ngư dân tháo hết buồm, chèo, vật dụng bó lại làm phao cứu sinh hoặc neo rà. Người lái phải thả hai neo rà để cho thuyền trôi chậm lại, mũi thuyền vuông góc với hướng gió. Mũi thành lái, thuyền đi lui và xuôi tự do theo chiều gió. Để thoát hiểm có lúc tàu thuyền phải cập tới những biển xa như Thuận An, Huế.
Kiến trúc đáng kể nhất của Quảng Bình phải kể đến Lũy Thầy. Theo Đào Duy Từ thì nơi đây là đất tử ngục. Nhưng bản thân công trình cũng là một nghi vấn lớn trong nghệ thuật chiến tranh quân sự. Một bậc thầy như Đào Duy Từ tại sao không dừng lại bờ Nam sông Gianh hay đỉnh đèo Ngang mà lại chọn Động Hải để xây dựng chiến lũy. Dòng Nhật Lệ chạy dài vào phía Nam giả là mồi nhử hớ hênh chúa Trịnh hay lưỡi dao chọc sâu vào yếu huyệt của thế trận phòng thủ?
Đổi thay theo địa hình, sông núi, lựa hướng gió, chế độ thủy triều, để tránh dông bão và trên hết là thích ứng với nóng ẩm, ngôi nhà của người dân ở vùng Cảnh Dương lại chọn hướng Đông Bắc. Nhà ở Bảo Ninh chọn hướng chính Tây.
Nhưng không phải sự khác biệt nào cũng được Quảng Bình chấp nhận. Hoa sữa là ví dụ.
Những năm 1990, nhiều đường phố mới của Đồng Hới ồ ạt nhập khẩu … hoa sữa. Có lẽ những người quyết định trồng nhiều loại cây này ở Quảng Bình cũng chưa hiểu hết hoa sữa giống nhạc sỹ Hồng Đăng trước khi sáng tác nhạc phẩm thành công nhất của mình. Biển Bảo Ninh, sông Nhật Lệ không phải là hồ Thiền Quang. Gió Nam non miền Trung dù có nhẹ nhàng, mát lành đến đâu cũng không thể sánh với heo may Hà Nội. Vội vã đem cảm xúc của Hồng Đăng về quê hương, những người Quảng Bình đã mau quên cảm nhận của L. Cardier. Vị linh mục khả ái, nhà khoa học nghiên cứu về Việt Nam học mẫu mực bậc nhất, một người rất mực ưu ái Quảng Bình từng cảm nhận: “ Đồng Hới là thị xã của cây đa”.
Quảng Bình không có nhiều cơ hội cho những cảm xúc thuần phác. Bảo tàng chiến tranh Vực Quành là một ví dụ. Chủ đầu tư của dự án này là cựu binh Nguyễn Xuân Liên. Trên khắp cả nước, có nhiều cá nhân và nhóm cựu binh dành tâm huyết sưu tập những hiện vật, dấu tích chiến tranh. Nhưng chưa có đầu tư nào lớn như Vực Quành. Dự án đã có bảy năm tồn tại lay lắt và nhiều trắc trở.
Từ khi đi vào hoạt động năm 2004, người thân vẫn nhìn nhận ông Liên như một người “rừng”. Bạn bè, đồng chí nhiều người rưng rưng. Ngoài vài câu chữ bóng bảy và những bằng khen thì chính quyền và phòng thuế thì… rửng rưng.
Bỗng thấy tiếc cho nhiều người Quảng Bình chưa cảm nhận hết tinh cốt giá trị của tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”. Trong tượng đài nhân văn đó của Bảo Ninh không có chỗ đứng cho THẮNG, BẠI, HẬN THÙ… Bởi thế, nhiều người không thể tin được rằng trong sâu thẳm ký ức họ, Thần chiến tranh vẫn ngự trị. Chính nỗi ám ảnh này khiến Bảo tàng chiến tranh bị những sự trơ lì, vô cảm hay sức mạnh vật chất dội bom…
Trong khi đó một Bảo tàng tỉnh rất to lớn, tốn kém nhưng luôn đóng cửa im ỉm. Còn trơ ra đó một Nhà văn hóa (kiến trúc mô phỏng hình con tầu) rất khủng nhưng lại… “mắc cạn” bên đường số 1.
Gần đây Quảng Bình được nhắc nhớ bởi khu nghỉ cao cấp Sun spa. Cách Hà Nội hơn 500 km không có khu nghỉ ven biển nào thành công như dự án này. Lần đầu tiên một công trình, tác phẩm, thương hiệu của Quảng Bình được biểu đạt bằng tiếng nước ngoài. Lần đầu tiên, một khát vọng làm giàu được hướng đến và gắn với mặt trời? Chung hoài vọng có tầm vóc, cảm hứng vũ trụ, cách đây gần một thế kỷ, chỉ có Hàn Mặc Tử mới dám lãng du cùng trăng?
             
Năm 2005, sau khi phát hiện ra hang động lớn và đẹp vào loại nhất thế giới, Người Quảng Bình đã không bỏ lỡ một cơ hội để bộc lộ cá tính của mình. Hang chui rất sâu vào lòng đất, địa phận của Âm phủ đã được xướng danh là Thiên Đường. Không hẳn là cá tính thích đùa nghịch hay hài hước của một cộng đồng vùng biển mà vẫn là lối nói lái, nói trại, cách đảo ngữ hay kiểu dùng ngôn từ đa nghĩa.
Trên đây mới chỉ là tập hợp sơ bộ những yếu tố nghịch lý, khác biệt, những vận động, biến đổi khác ngược, bất trắc của tự nhiên và con người Quảng Bình. Hiện ra giữa thiên đường và trần gian; Đan xen, hỗn mang quá khứ, hiện tại và tương lai; Tương phản đúng sai; Đối ngược tình yêu và thù hận; Giao điểm giữa chiến tranh và hòa bình; Thách thức đúng sai; Công thành và tội lỗi; Chính trực và gian xảo; Chính danh và háo danh….Tất thảy đều góp phần tạo nên những động lực phát triển đa dạng hơn cho Quảng Bình?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét