Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Mông Cổ, bây giờ lại nhớ



Bây giờ, hỏi giới trẻ về đất nước Mông Cổ (1), với chúng câu hỏi kiểu này chắc phải tầm "Đường lên đỉnh Olympia ". Học sinh ta, kiến thức sử như kết quả thi Đại học vừa qua (2011), sẽ ôm từ điển và nói tiếng Ăng lê giọng Mán: nước Món Ngô Lìa (Mongolia). Tôi cũng chỉ biết đất nước này qua học sử. Đầu tiên, nó phải là quân Nguyên mà ta đánh bại ba lần. Lịch sử về những đoàn quân Mông Cổ là một chuỗi những sự việc phi thường. Trong lịch sử loài người chưa từng có một đội quân nào chiến thắng và xâm chiếm nhiều đất đai như họ. Đến nỗi, bản đồ thời Đế quốc Mông Cổ năm 1206 - Thành Cát Tư Hãn, như hình mãnh thú khổng lồ, mồm nuốt châu Âu, đuôi phất phơ vùng viễn đông Nga La Tư, đít lồi ra Cao ly, chân đạp tan nhà Tống, một triều đại mà Trung Quốc sau này tự hào chính thống Đại Nguyên, mà Việt Nam lại "sát Thát" một nhát vào chỗ hiểm. (nhìn vào bản đồ mà xem). 
Tôi còn biết Mông cổ thời kỳ "Dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa. Ðây bao la ánh sáng vui chan hòa..." (Nguyễn Văn Tý). Rằng đó là nước xã hội chủ nghĩa, là "anh em thắm tình hữu nghị sáng như mầu len"(vui hát một chút thôi mà !)
Người ta quên đất nước Mông Cổ nhiều lắm vì gần đây chẳng thấy "đài", "vô tuyến" nhắc tới gì cả. Có phải họ oanh liệt thời quá khứ mà bằng lòng quên lãng. Hay vì với tập quán du mục, họ lại dựng lều, dong duổi trên mình ngựa trong thảo nguyên mướt xanh, thanh bình mầu cỏ Mông Cổ hoang sơ, để thị thành cho các chú "Thoòng" (tiếng Nam Bộ) nhởn nhơ dạo phố. Nói  vui thế thôi, chứ rất nhiều trong họ ra nước ngoài làm việc như Hàn quốc (nhiều nhất), Trung hoa, Nhật, Đức, Italia ...và nhiều thanh niên thành thạo ngôn ngữ Tây Âu.

Tôi vẫn yêu và kính phục người Mông Cổ, dù xưa kia tiền nhân có mối hiềm thù. Một nửa người Mông Cổ theo Phật giáo Tây Tạng, nên cho là cũng tương đồng. Tôi yêu tiếng đàn Morin khuur(2) não nề, da diết  gần như tiếng đàn Hồ quê ta, mà lại rất phóng khoáng, mênh mang như tâm hồn dân du mục vùng thảo nguyên bát ngát.
Tôi yêu tiếng đàn này là  tôi yêu, tôi nhớ về Mông Cổ.




Các bạn nghe và xem cảnh sắc tuyệt đẹp của thảo nguyên Mông Cổ với tiếng đàn Morin Khuur. 


(1)Vùng đất thuộc quốc gia Mông Cổ ngày nay xưa kia từng bị cai trị bởi nhiều đế chế du mục như Hung Nô, Tiên Ti, Nhu Nhiên, Đột Quyết và nhiều đế chế khác. Đế quốc Mông Cổ được xây dựng từ năm 1206 bởi Thành Cát Tư Hãn. Vào thế kỉ 13, Đế quốc Mông Cổ đã tiến hành những cuộc chiến tranh chinh phục khắp châu Á và châu Âu và trở thành quốc gia rộng lớn, hùng mạnh nhất thế giới.
Sau khi Nhà Nguyên sụp đổ, Mông Cổ quay lại chế độ như trước đây với xung đột nội bộ thường xuyên và những cuộc đột kích sang biên giới Trung Hoa. Mông Cổ tuyên bố độc lập. Năm 1921 dưới sự bảo trợ của Liên Xô Mông Cổ chính thức tách khỏi Trung Quốc, tiến hành xây dựng nhà nước theo mô hình Xã hội Chủ nghĩa. Sau sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu vào cuối năm 1989, Mông Cổ tự tiến hành cuộc Cách mạng Dân Chủ vào năm 1990, kết quả là chế độ đa đảng được thành lập. Bản hiến pháp mới ra đời vào năm 1992 đưa nước này chuyển sang thể chế cộng hòa nghị viện và kinh tế thị trường.(theo Wikipedia)

(2)Morin Khuur: Nhạc cụ đầy chất thơ của người Mông Cổ…

Mã đầu cầm (tiếng Anh: Matouqin / horse-headed fiddle, tiếng Mông Cổ: Morin khuur) là một nhạc cụ truyền thống đầy chất thơ của người Mông Cổ.
Morin khuur nổi tiếng đến mức được UNESCO công nhận là một trong những kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.
Âm thanh của Mã đầu cầm khá lạ, cảm tưởng như nó pha trộn giữa đàn Nhị và đàn Vĩ cầm, hơi não nề, da diết mà lại rất phóng khoáng, mênh mang như tâm hồn dân du mục vùng thảo nguyên bát ngát.
Mã đầu cầm còn là một nhạc cụ có nhiều giai thoại. Câu chuyện kể của bác Trần Văn Khê rất hay và…lãng mạn.

“Các bạn có dịp đến Mông Cổ, trong một buổi văn nghệ, thế nào bạn cũng nghe những bài trường ca urtiin duu, có tiếng đàn phụ hoạ, trầm hơn đàn gáo (ngoài Bắc gọi là đàn hồ), như tiếng đàn violoncello của phương Tây. Đó là đàn “morin-khuur” (đọc là “mô rin khua”, morin là con ngựa, khuur là cây đàn, viết theo chữ Hán đọc là “Mã đầu cầm” 马头琴 – nghĩa là cây đàn có hình đầu con ngựa).
Đàn thuộc loại nhạc khí có cung kéo trên hai sợi dây trước kia bằng lông đuôi ngựa, ngày nay bằng ni-lông. Thùng đàn bằng gỗ, hình thang, cần dài, đầu cần chạm hình đầu con ngựa. Vì vậy đàn mang tên là “Mã đầu cầm”.
Có nhiều truyền thuyết về cây Mã đầu cầm. Xin mời các bạn theo tôi đến Mông Cổ và đi ngược dòng thời gian…
Ngày xưa, Thiên đình có 28 vì sao, gọi là Nhị thập bát tú. Đêm đêm, thường xuống phàm trần, hiện hình 28 tướng kim giáp, kim bào, cưỡi ngựa rong chơi, ngắm xem phong cảnh, đồng rộng núi cao, khi hưởng gió mát trăng thanh, khi nếm rượu bên bờ suối. Lúc gà gáy canh ba phải trở về trời, trước khi vừng ô ló dạng. Nếu không, cửa trời sẽ đóng và bị đọa mãi mãi dưới trần.
Vị tướng của 28 vì sao, có con Thiên lý mã, chớp mắt chạy xa ngàn dặm, nên trời vừa nhá nhem tối đã đến hồng trần, và có thể nấn ná đến khi gà gáy canh năm trở về trời cũng kịp. Chàng gặp một thôn nữ, đã cùng nàng trao đá đổi vàng. Đêm đêm, người thiếu nữ đợi chờ …cùng chàng đối ẩm, ngâm thơ xướng hoạ, trao duyên cầm sắt.
Nhiều đêm như thế, hương nước đương nồng,  nàng tỉ tê hỏi chuyện, chàng nói như thế như thế ... Nàng đã theo chàng, nhưng kịp sao Thiên lý mã. Nàng đã cắt bốn cánh nhỏ ở chân Ngựa thần, để những mong không kịp về trời, sẽ mãi mãi cùng nàng. Hỡi ôi, chàng về, phép thần đâu còn nữa, bình minh ló dạng, chàng và Thiên lý mã rơi xuống xa mạc.
Chàng ôm Thiên lý mã vào lòng, lấy áo lau mồ hôi đầm đìa trên thân ngựa quí. Thiên lý mã kiệt sức, nhìn chàng bằng đôi mắt u buồn, rồi khép hẳn mắt lại, trút hơi thở cuối cùng trên cánh tay chàng. Vừa khóc chàng vừa nhìn lên trời, trời xa vòi vọi, sa mạc cát trắng trùng trùng! Người yêu ơi! Giờ nầy nàng ở nơi nao? Khi giọt lệ của chàng rơi trên mình ngựa, ngựa biến thành đàn. Đầu ngựa thành đầu đàn. Đuôi ngựa thành dây đàn. Lấy lông đuôi làm bả cung kéo lên dây đàn phát ra những tiếng kêu thương.
  Từ ấy đến giờ, Mã đầu cầm đã vượt thời gian, được cha truyền con nối, đến nay thanh niên Mông Cổ còn biết đàn Morinkhuur. Nhưng mỗi khi tiếng đàn cất lên phụ hoạ cho những bài trường ca “urtiin duu”, ai có thể dằn lòng xúc động khi nghe tiếng đàn ai oán hòa theo giọng hát như khóc như than?”.
(theo Trần Can)
PS. Slideshow này của thảo nguyên Mông Cổ và bản nhạc Buu Jinhua do nhạc sĩ Chi Bulico trình tấu đàn Morin Khuur, phụ họa với một cây đàn khác.

2 nhận xét:

  1. Thật thú vị khi đọc lại những thông tin về đất nước "có một không hai" này.

    Mặc dù người viết không nhắc gì nhiều đến 3 lần thắng quân Nguyên Mông của nước ta, nhưng vẫn gợi lên niềm khoái cảm trước chiến tích của cha ông...

    Chợt suy nghĩ một cách rất AQ rằng: Việt thắng Mông, Mông thắng Tàu, vậy Việt Nam ta coi Tàu như... lũ nhãi nhép!

    (và tương tự: Việt thắng Mãn, Mãn thắng Tàu, vậy Việt Nam ta coi Tàu như... loài chuột bọ!

    :-))

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn bạn đã nhận xét bài.
    Tôi cũng họ Phạm như bạn-Hải Dương.
    Mấy ngày nay không thấy bạn viết.
    Chào Hoài Nhân !

    Trả lờiXóa